K.Marx - F.Enggels
Nội chiến ở Pháp


LỜI KÊU GỌI THỨ HAI CỦA TỔNG HỘI ĐỒNG HỘI LIÊN HIỆP CÔNG NHÂN QUỐC TẾ VỀ CUỘC CHIẾN TRANH PHÁP-PHỔ[145]

Gửi các hội viên hội liên hiệp công nhân quốc tế ở châu Âu và Hợp chủng quốc

Trong bản tuyên ngôn thứ nhất của chúng tôi ngày 23 tháng Bảy chúng tôi nói:

"Tiếng chuông báo tử của Đế chế thứ hai cũng đã điểm ở Pa-ri. Đế chế thứ hai mở đầu như thế nào thì cũng kết thúc như thế ấy: bằng một sự bắt chước lố bịch. Nhưng chúng ta không nên quên rằng chính các chính phủ và các giai cấp thống trị ở châu Âu đã tạo điều kiện cho Lu-i Bô-na-pác-tơ diễn vở hề tàn bạo về sự phục tích của đế chế trong mười tám năm ròng"[1*]

Như vậy, ngay trước khi chiến sự bắt đầu trên thực tế, chúng ta cũng đã coi những bong bóng xà-phòng của Bô-na-pác-tơ như là một công việc của quá khứ.

Chúng ta đã không lầm về sức sống của Đế chế thứ hai. Chúng ta cũng đã không sai khi chúng ta lo rằng đối với nước Đức cuộc chiến tranh sẽ "mất tính chất thuần túy phòng thủ của nó và thoái hóa thành một cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Pháp"[2*]. Cuộc chiến tranh tự vệ thực ra đã kết thúc bằng sự đầu hàng cửa Lu-i Na-pô-lê-ông, sự đầu hàng ở Xê-đăng và việc tuyên bố thành lập nền cộng hòa ở Pa-ri. Nhưng từ lâu trước những sự kiện này, ngay vào lúc sự mục nát hoàn toàn của quân đội của Bô-na-pác-tơ đã bộc lộ rõ, bè đảng quân sự của Phổ cũng đã quyết định biến cuộc chiến tranh ấy thành một cuộc chiến tranh xâm lược rồi. Thật ra, trên con đường đó, lời tuyên bố của bản thân vua Vin-hem vào buổi đầu của cuộc chiến tranh là một chướng ngại khá khó chịu. Trong bài diễn văn của nhà vua tại Quốc hội Bắc Đức ông đã trịnh trọng tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh chống hoàng đế Pháp chứ không chống nhân dân Pháp. Ngày 1 1 tháng Tám ông ta đã công bố một bản tuyên ngôn gửi dân tộc Pháp, trong đó ông ta nói[3*]:

"Vì hoàng đế Na-pô-lê-ông đã tấn công trên bộ và trên biển đánh dân tộc Đức, một dân tộc đã mong muốn và vẫn luôn luôn mong muốn sống hòa bình với nhân dân Pháp; tôi đã đảm nhiệm việc chỉ huy quân đội Đức để đánh trả sự tấn công của ông ta, và do diễn biến của chiến sự mà tôi phải vượt qua biên giới nước Pháp".

Không hài lòng với việc tuyên bố rằng ông đảm nhiệm việc chỉ huy quân đội Đức "để đánh trả sự tấn công", nên để chứng thực tính chất tự vệ của cuộc chiến tranh, Vin-hem còn nói thêm rằng chỉ "do diễn biến của chiến sự mà ông ta phải" vượt qua biên giới nước Pháp. Một cuộc chiến tranh tự vệ tất nhiên không loại trừ các hoạt động tấn công, do "diễn biến của chiến sự" bắt buộc.

Như vậy, ông vua ngoan đạo này cam kết trước nước Pháp và trước thế giới là chỉ tiến hành một cuộc chiến tranh thuần túy tự vệ. Vậy làm thế nào để cho ông ta gỡ được lời hứa hẹn trịnh trọng đó? Các nhà đạo diễn toàn bộ trò hề này phải trình bày như thể là ông ta miễn cưỡng phục tùng những yêu cầu cấp thiết của nhân dân Đức; họ liền đưa ra một tín hiệu cho giai cấp tư sản tự do Đức với các giáo sư của nó, các nhà tư bản của nó, các ủy viên hội đồng thành phố của nó, các nhà báo của nó. Giai cấp tư sản này,- trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do công dân từ năm 1846 đến năm 1870 đã chứng tỏ một sự do dự, bất lực và hèn nhát chưa từng thấy, tất nhiên hết sức hân hoan khi phải bước lên sân khấu châu Âu như là một con sư tử gầm thét của chủ nghĩa yêu nước Đức. Nó mang cái mặt nạ độc lập công dân giả dối để làm ra vẻ như là nó buộc chính phủ Phổ phải thực hiện những kế hoạch bí mật của chính ngay Chính phủ này. Nó ăn năn về lòng tin lâu dài và hầu như có tính chất tôn giáo của nó vào sự không thể sai lầm của Lui Bô-na-pác-tơ và vì thế nó lớn tiếng đòi chia cắt nước Cộng hòa Pháp. Chúng ta hãy nghe, dầu chỉ là trong giây lát, những lý lẽ có vẻ chính đáng của những nhà yêu nước trung kiên này!

Họ không dám khẳng định rằng nhân dân An-da-xơ và Lo-ren-nơ khao khát được Đức ôm hôn. Chính là ngược lại. Để trừng trị lòng yêu nước của nó đối với Pháp, Xtơ-ra-xbua, một thành phố với một thành lũy chỉ huy đứng riêng, đã bị pháo kích một cách dã man và không có mục đích trong 6 ngày liền bằng đạn trái phá "Đức" bị đốt cháy, và một số lớn dân cư không có gì để tự vệ đã bị giết chết. Còn phải nói nữa! Đất đai của hai tỉnh này trước đây đã thuộc về cái Đế quốc Đức đã tiêu vong từ lâu rồi. Chính vì vậy mà hình như đất đai và những con người lớn lên ở đấy phải bị tịch thu như là một tài sản còn chưa hết thời hiệu của Đức. Nếu vẽ lại bản đồ cũ của châu Âu được theo ý ngông thất thường của kẻ hoài cổ, thì trong bất cứ trường hợp nào chúng ta cũng không được quên rằng hồi bấy giờ, với tư cách là lãnh chúa Phổ, tuyển đế hầu Bran-đen-buốc lại là chư hầu của nước Cộng hòa Ba Lan[146].

Nhưng các nhà yêu nước láu lỉnh lại đòi An-da-xơ và phần Lo-ren-nơ nói tiếng Đức như là một "bảo đảm vật chất" chống lại sự tấn công của Pháp. Vì lý do sâu xa đó đã làm cho nhiều người nhẹ dạ lầm lẫn, nên chúng tôi thấy có nhiệm vụ phải nói đến nó cặn kẽ hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ngoại hình chung của An-da-xơ so với bờ bên kia của sông Ranh và sự có mặt của một pháo đài lớn như Xtơ-ra-xbua, nằm ở khoảng giữa Ba-lơ và Ghéc-mơ-xhai-mơ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho một cuộc tấn công của Pháp vào miền Nam nước Đức, trong khi đó thì nó gây ra những khó khăn nhất định cho một cuộc tấn công từ miền Nam nước Đức vào nước Pháp. Hơn nữa, không nghi ngờ gì nữa là việc thôn tính An-da-xơ và phần Lo-ren-nơ nói tiếng Đức sẽ đem lại cho miền Nam nước Đức một biên giới mạnh hơn nhiều; khi đó miền Nam nước Đức sẽ làm chủ được dãy núi Vô-he-dơ suốt dọc chiều dài của nó và các pháo đài bảo vệ những đèo ở phía bắc dãy núi đó. Nếu Mét-xơ cũng bị thôn tính thì chắc chắn là Pháp lập tức sẽ mất ngay hai căn cứ tác chiến chủ yếu nhất chống Đức, nhưng việc đó không ngăn cản nó xây dựng một căn cứ mới ở Năng-xi hoặc Véc-đen. Đức có Cô-blen-txơ, Ma-in-xơ, Ghéc-mơ-xhai-mơ, Ra-stát và Un-mơ, - tất cả đều là những căn cứ tác chiến chống lại Pháp, và đã lợi dụng chúng một cách tuyệt diệu trong cuộc chiến tranh này; vậy thì Đức có một chút quyền gì để ganh tị với Pháp về Mét-xơ và Xtơ-ra-xbua, hai pháo đài quan trọng duy nhất mà Pháp có được ở vùng này? Ngoài ra Xtơ-ra-xbua chỉ đe dọa Nam Đức chừng nào Nam Đức tách khỏi Bắc Đức. Từ năm 1792 đến năm 1795 Nam Đức không bao giờ bị tấn công từ phía này, bởi vì Phổ đã tham gia cuộc chiến tranh chống lại cuộc cách mạng Pháp; nhưng ngay khi Phổ vừa ký hiệp ước hòa bình riêng rẽ[147] năm 1795 và bỏ mặc miền Nam thì bắt đầu có những cuộc tấn công vào Nam Đức, lấy Xtơ-ra-xbua làm căn cứ, và kéo dài đến năm 1809. Thực ra một nước Đức thống nhất luôn luôn có thể làm cho Xtơ ra-xbua và mọi quân đội Pháp ở An-da-xơ trở thành vô hại nếu nó tập trung tất cả các quân đội của nó ở giữa Xa-rơ-lu-i và Lan-đau, như đã xảy ra trong cuộc chiến tranh này, vả đẩy chúng tiến lên phía trước hoặc chấp nhận một trận đánh trên con đường từ Ma-in-xơ đến Mét-xơ. Chừng nào khối đông chủ yếu của quân đội Đức đóng ở đó, thì mọi quân đội Pháp từ Xtơ-ra-xbua tấn công vào Nam Đức sẽ bị đánh bọc sườn và sự liên lạc của bọ sẽ bị đe dọa. Nếu chiến dịch gần đây chứng minh một cái gì đó, thì đó là tính chất dễ dàng của việc tấn công từ Đức vào đất Pháp.

Nhưng, nói một cách trung thực thì việc nâng những lý do quân sự lên thành một nguyên tắc theo đó người ta hoạch định các biên giới quốc gia, nói chung, phải chăng là một sự phi lý và một sự lỗi thời? Nếu theo quy tắc đó thì Áo vẫn còn có thể đòi Vơ-ni-dơ và tuyến Min-si-ô, còn Pháp thì đòi tuyến Ranh để bảo vệ Pa-ri là thành phố rõ ràng trống trải dễ bị tấn công từ phía đông - bắc nhiều hơn là Béc-lin bị tấn công từ phía tây - nam. Nếu đường biên giới phải được quy định bởi lợi ích quân sự thì các yêu sách không bao giờ chấm dứt, bởi vì mọi ranh giới quân sự do cần thiết đều có những thiếu sót của nó vả có thể được cải tiến bằng cách sáp nhập những lãnh thổ mới tiếp giáp với nó; hơn nữa những biên giới đó không bao giờ có thể được xác lập một cách dứt khoát và công bằng, bởi vì kẻ chiến thắng bao giờ cũng ra điều kiện cho người chiến bại và, do đó, cái đó đã mang trong mình mầm mống của những cuộc chiến tranh mới.

Đó là bài học của toàn bộ lịch sử: với những con người riêng lẻ như thế nào thì với những dân tộc trọn vẹn cũng như thế. Để tước khả năng tấn công của họ thì phải đoạt hết mọi phương tiện tự vệ của họ. Không những phải túm lấy cổ họng họ mà còn phải giết họ nữa. Nếu có một lúc nào đó kẻ chiến thắng đòi được "những đảm bảo vật chất" để bẻ gẫy lực lượng của một dân tộc, thì đó là Na-pô-lê-ông I với hòa ước Tin-dít của ông ta và cái cách thức mà ông ta đã dùng hiệp ước ấy để chống lại Phổ và phần nước Đức còn lại. Và tuy vậy vài năm sau nhân dân Đức cũng đã bẻ gãy toàn bộ sức mạnh khổng lồ của ông ta như một cây lau mục. Những "đảm bảo vật chất" mà trong giấc mơ điên dại của nó, Phổ hy vọng giành được và dám giành của Pháp, là gì so với những đảm bảo vật chất mà Na-pô-lê-ông I đã giành được của chính nước Đức? Lần này kết quả cũng sẽ không kém phần tai hại. Lịch sử sẽ đền đáp lại không phải theo số những dặm vuông đất đai đã cắt được của Pháp, mà theo mức độ lớn lao của cải tội lỗi đã phục hồi lại chính sách xâm lược trong nửa sau thế kỷ XIX.

Những kẻ bênh vực chủ nghĩa yêu nước của người Đức nói: những các anh không được lẫn lộn người Đức với người Pháp. Chúng tôi không muốn vinh quang mà muốn sự an toàn. Người Đức, về cơ bản, là một dân tộc yêu hòa bình. Dưới sự bảo trợ khôn ngoan của họ, thậm chí sự xâm chiếm cũng từ chỗ là một nguyên nhân của cuộc chiến tranh tương lai biến thành một đảm bảo cho hòa bình vinh cửu. Dĩ nhiên không phải nước Đức đã xâm lăng nước Pháp năm 1792 với mục đích cao thượng là đè bẹp cuộc cách mạng thế kỷ XVIII bằng lưỡi lê? Và không phải nước Đức đã làm nhơ nhuốc mình bằng việc nô dịch I-ta-li-a, đàn áp Hung-ga-ri và chia cắt Ba Lan? Hệ thống quân sự hiện nay của nó chia toàn bộ dân cư nam giới khỏe mạnh ra làm hai phần - một đội quân thường trực đang làm nhiệm vụ và một đội quân thường trực khác làm dự trữ, - cả hai đều phải ngoan ngoãn phục tùng những người trị vì nhờ ơn chúa, - hệ thống quân sự đó tất nhiên là một "bảo đảm vật chất" cho hòa bình và hơn nữa là mục đích cao nhất của nền văn minh! Ở Đức, cũng như khắp mọi nơi, bọn tay sai của những kẻ đang nắm quyền lực đều đầu độc công luận bằng khói trầm hương của sự khoác lác dối trá.

Những nhà yêu nước người Đức này có vẻ bất bình khi nhìn thấy những pháo đài Mét-xơ và Xtơ-ra-xbua của Pháp, nhưng họ không thấy gì là xấu xa trong hệ thống công sự rộng lớn của người Mốt-xcô-vít ở Vác-sa-va, Mốt-lin và I-van-gô-rốt. Trong khi họ rùng mình trước những sự khủng khiếp của các cuộc tấn công của Bô-na-pác-tơ thì họ lại nhắm mắt lại trước sự nhục nhã của nền bảo hộ của Nga hoàng.

Hoàn toàn giống như năm 1865 Lu-i Bô-na-pác-tơ và Bi-xmác trao đổi những lời hứa hẹn với nhau, năm 1870 Goóc-tra-cốp và Bi-xmác cũng trao đổi những lời hứa hẹn với nhau[148]. Hoàn toàn giống như Lu-i Na-pô-lê-ông tự phỉnh phờ mình bằng hy vọng rằng cuộc chiến tranh năm 1866 làm cho cả Áo lẫn Phổ bị kiệt quệ sẽ biến ông ta thành người quyết định số phận của Đức, A-lếch-xan-đrơ cũng tự phỉnh phờ mình bằng hy vọng rằng cuộc chiến tranh năm 1870 làm cho cả Đức lẫn Pháp bị kiệt quệ, sẽ đem lại cho ông cơ hội trở thành người quyết định số phận của Tây Âu. Hoàn toàn giống như Đế chế thứ hai đã coi mình không thể cùng tồn tại với Liên đoàn Bắc Đức, nước Nga chuyên chế cũng phải cảm thấy mình bị đe dọa bởi một đế chế Đức do Phổ đứng đầu. Đó là quy luật của chế độ chính trị cũ. Trong phạm vi của chế độ đó, cái mà nước này được là cái mà nước kia mất. Ảnh hưởng chiếm ưu thế của Nga hoàng đối với châu Âu bắt nguồn từ địa vị lãnh đạo truyền thống của ông ta đối với Đức. Vào lúc các lực lượng xã hội sục sôi như núi lửa ở bản thân nước Nga đang đe dọa làm lung lay những cơ sở xâu xa nhất của nền chuyên chế, thì nếu Nga hoàng có thể để cho uy tín của ông ta ở nước ngoài giảm đi hay không? Các báo chí Mát-xcơ-va đã dùng cái ngôn ngữ giống như báo chí Bô-na-pác-tơ sau cuộc chiến tranh năm 1866. Phải chăng những người yêu nước Đức đã thật sự nghĩ rằng tự do và hòa bình[4*] của Đức sẽ được đảm bảo nếu họ buộc được Pháp ngả vào vòng tay của Nga? Nếu vận may về quân sự, sự say sưa về thắng lợi và những âm mưu triều đại đang đẩy nước Đức đến chỗ cướp đoạt lãnh thổ Pháp, thì nó chỉ còn có hai con đường: hoặc giả nó phải, bằng bất cứ giá nào, trở thành công cụ công khai của chính sách xâm chiếm của Nga[5*], hoặc giả sau một cuộc đình chiến ngắn, nó phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh "phòng thủ" mới, không phải một trong những cuộc chiến tranh "hạn chế" mới sáng chế ra, mà là một cuộc chiến tranh chủng tộc chống lại các chủng tộc liên minh Xla-vơ và Rô-man[6*].

Giai cấp công nhân Đức, không có khả năng ngăn chặn cuộc chiến tranh đó, đã kiên quyết ủng hộ nó như là một cuộc chiến tranh cho nền độc lập của Đức và để giải phóng nước Pháp và châu Âu khỏi cơn ác mộng ghê tởm của Đế chế thứ hai. Những công nhân công nghiệp Đức, cùng với những công nhân nông nghiệp, là hạt nhân của quân đội anh hùng, đã bỏ những gia đình nửa chết đói của họ ở lại nhà. Hàng ngũ của họ đã thừa đi trên chiến trường ở nước ngoài, những tai họa chẳng kém do bần cùng đem lại đang chờ đợi họ ở trong nước[7*], và giờ đây, đến lượt mình, họ đòi "những sự đảm bảo", những đảm bảo để cho sự hy sinh nhiều vô kể của họ không trở thành vô ích, để cho họ giành được tự do, để cho thắng lợi mà họ đạt được đối với quân đội Bô-na-pác-tơ không bị biến thành một thất bại của nhân dân Đức như năm 1815[149]. Và với tư cách là một đảm bảo đầu tiên trong những đảm bảo đó, họ đòi một nền hoà bình trong danh dự cho Pháp và sự công nhân nước Cộng hòa Pháp.

Ngày 5 tháng Chín ủy ban trung ương của Đảng công nhân dân chủ xã hội Đức đã công bố một bản tuyên ngôn trong đó nó kiên quyết đòi những đảm bảo đó.

"Chúng ta phản đối việc thôn tính An-da-xơ và Lo-ren-nơ. Và chúng ta ý thức rằng chúng ta phát biểu thay mặt giai cấp công nhân Đức. Vì lợi ích chung của Pháp và Đức, vì lợi ích của hòa bình và tự do. Vì lợi ích của nền văn minh Tây Âu, chống lại sự dã man của phương Đông, giai cấp công nhân Đức sẽ không tha thứ việc thôn tính An-da-xơ và Lo-ren-nơ... Cùng với các đồng chi của chúng ta, với công nhân ở tất cả các nước, chúng ta sẽ trung thành bảo vệ sự nghiệp quốc tế chung của giai cấp vô sản"[150].

Bất hạnh thay, chúng ta không thể trông chờ vào sự thành công trực tiếp của họ. Nếu công nhân Pháp đã không thể ngăn chặn kẻ xâm lược trong thời gian hòa bình, thì liệu công nhân Đức có nhiều triển vọng hơn trong việc giữ kẻ chiến thắng lại trong khi nóng máu chiến tranh, hay không? Bản tuyên ngôn của giai cấp công nhân Đức đòi phải nộp Lu-i Bô-na-pác-tơ như một tên tội phạm thường cho nước Cộng hòa Pháp. Những kẻ thống trị họ thì lại ra sức đặt hắn trở lại ngai vàng trong điện Tuyn-lơ-ri như là một con người thích hợp nhất để đưa nước Pháp đến chỗ diệt vong. Dù sao chăng nữa, lịch sử cũng sẽ chỉ ra rằng công nhân Đức không phải được cấu tạo bằng cùng một chất liệu mềm yếu như giai cấp tư sản Đức. Họ sẽ làm tròn nghĩa vụ của mình.

Cùng với họ, chúng tôi chào mừng việc thiết lập nền cộng hòa ở Pháp, nhưng đồng thời chúng tôi có những nỗi lo ngại mà chúng tôi hy vọng rằng chúng sẽ tỏ ra là không có cơ sở. Nền cộng hòa này đã không lật đổ ngai vàng mà chỉ chiếm chỗ trống do ngai vàng ấy để lại[8*]. Nó được tuyên bố không phải với tính cách là một thành quả xã hội, mà là một biện pháp phòng thủ quốc gia. Nó nằm trong tay một chính phủ lâm thời, gồm một phần là những người theo phái Oóc-lê-ăng mà ai cũng biết, và một phần là các phần tử cộng hòa tư sản; và trong số những người này lại có một vài phần tử còn mang cái dấu ấn không thể xóa được, do cuộc khởi nghĩa năm 1848[151] để lại trên người chúng. Sự phân công giữa các thành viên của chính phủ đó hình như không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp. Những người theo phái Oóc-lê-ăng nắm giữ những vị trí mạnh nhất- quân đội và cảnh sát- còn những kẻ gọi là cộng hòa thì được giao cho làm chức năng nói ba hoa. Một vài hành động đầu tiên của chính phủ đó chứng minh khá rõ là họ đã kế thừa của đế chế không những một đống đổ nát, mà còn kế thừa cả nỗi sợ hãi của đế chế trước giai cấp công nhân. Nếu giờ đây nhân danh nền cộng hòa, nó lớn tiếng hứa hẹn những điều không thể thực hiện được, thì đó phải chăng là để gây tiếng tăm cho một chính phủ "có thể có"? Phải chăng nền cộng hòa, trong con mắt của một số người tư sản cầm đầu nó, chắc chắn chỉ là một bước quá độ và một cái cầu bước sang sự phục tích của triều đại Oóc-lê-ăng.

Như vậy là giai cấp công nhân Pháp bị lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn. Mọi mưu toan lật đổ chính phủ mới trong cuộc khủng hoảng hiện nay khi kẻ thù đã gần như gõ cổng Pa-ri, đều là sự điên rồ tuyệt vọng. Công nhân Pháp phải làm nghĩa vụ công dân của họ[9*], nhưng họ không được để cho mình bị lôi cuốn bời các hồi ức dân tộc năm 1792, như nông dân Pháp đã để cho các hồi ức dân tộc của Đế chế thứ nhất lừa dối. Họ không phải lặp lại quá khứ, mà phải xây dựng tương lai. Họ hãy sử dụng một cách bình tĩnh và kiên quyết tất cả các phương tiện mà nền tự do cộng hòa đã đem lại cho họ để củng cố một cách triệt để hơn nữa tổ chức của giai cấp họ. Điều đó sẽ đem lại cho họ một sức mạnh mới, sức mạnh của Héc-quyn, để đấu tranh cho việc hồi sinh nước Pháp và cho sự nghiệp chung của chúng ta- giải phóng lao động. Vận mệnh nền cộng hòa tùy thuộc vào sức mạnh của họ và sự khôn ngoan của họ.

Công nhân Anh đã thực hiện một số biện pháp để thông qua một sức ép lành mạnh từ bên ngoài, đập tan sự chống đối của chính phủ của họ không muốn công nhận nước Cộng hòa Pháp[152]. Sự chậm trễ ngày nay của Chính phủ Anh chắc hẳn là để chuộc lại cuộc chiến tranh chống phái Gia-cô-banh năm 1792, cũng như sự vội vã sỗ sàng trước đây trong việc công nhận coup d'etat[10*] [153]. Ngoài ra công nhân Anh cũng đòi chính phủ họ phải hết sức phản đối việc chia cắt nước Pháp, mà một bộ phận báo chí Anh đang gào thét một cách trơ trẽn để đòi thực hiện[11*]. Chính bộ phận báo chí ấy trong hai mươi năm liền đã thần tượng hóa Lu-i Bô-na-pác-tơ như là mệnh trời ở châu Âu và đã nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh cuộc nổi loạn của các chủ nô Mỹ. Ngày nay, cũng như trước kia, nó ủng hộ bọn chủ nô.

Các chi hội của Hội liên hiệp công nhân quốc tế ở tất cả các nước hãy kêu gọi giai cấp công nhân đứng lên hành động. Nếu công nhân quên nghĩa vụ của mình, nếu họ cứ thụ động thì cuộc chiến tranh khủng khiếp hiện nay sẽ trở thành kẻ tiên khu của những cuộc chiến tranh quốc tế còn khủng khiếp hơn nữa, và trong mỗi nước nó sẽ dẫn tới những thắng lợi mới của các ngài hiệp sĩ cầm gươm, các chúa đất và các ngài tư bản đối với công nhân..

Vi ve la République![12*]

TỔNG HỘI ĐỒNG:

Rô-bớc A-plơ-gác, Mác-tin Gi. Bun, Phrê-đê-rích Brát-ni-cơ, Cai-hin, Giôn Hây-dơ, Uy-li-am Hây-dơ, Gioóc-giơ Ha-rít, Phri-drích Le-xnơ, Lô-pa-tin, B.Lơ-cráp, Gioóc-giơ Min-nơ, Tô-mát Mốt-tơ-xhết, Sác-lơ Ma-ri, Gioóc-giơ Ốt-gie-rơ, Giêm-xơ Pác-ne-lơ, Pơ-phen-dơ, Ruy-lơ, Giô-dép Se-péc-đơ, Cau-en Xtếp-ni, Xtôn, Smút-xơ.

CÁC THƯ KÝ THÔNG TẤN:
Ơ-gien Đuy-pông Phụ trách liên lạc với Pháp
Các Mác Phụ trách liên lạc với Đức và Nga
Ô Xéc rai-ơ Phụ trách liên lạc với Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha
I-ung Héc-man Phụ trách liên lạc với Thụy Sĩ
Giô-van-ni Bô-ra Phụ trách liên lạc với I-ta-li-a
De-vi Mô-ri-rơ Phụ trách liên lạc với Hung-ga-ri
An-tô-nhi Gia-bi-xki Phụ trách liên lạc với Ba Lan
Giêm-xơ Côn phụ trách liên lạc với Đan Mạch
I. G. ếch-ca-ri-út phụ trách liên lạc với Hợp chủng quốc Mỹ
Uy-li-am Tao-xen-dơ Chủ tịch
Giôn Oét-xtơn Thủ quỹ
I-ô-han Ghê-oóc Ếch-ca-ri-út Tổng thư ký

Văn phòng: 256, Hai Hoóc-bon, Luân Đôn W.C, ngày 9 tháng Chín 1870 .


[Mục lục]  


Chú thích

[1*]. Xem tập này. tr.12.

[2*]. Xem tập này. tr.13.

[3*]. Trong bản dịch tiếng Đức do chính C.Mác dịch ra được in thành một cuốn sách lẻ năm 1870, câu này và đoạn trích tuyên ngôn tiếp sau đó được lược bỏ; đoạn chính văn tiếp sau đó cho đến những chữ "họ tên đưa ra một tín hiệu" được rút gọn lại.

[4*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1870, có hai chữ "độc lập" được chêm vào trước những chữ "tự do và hòa bình".

[5*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1870, ở chỗ này có thêm mấy chữ: "điều đó phù hợp với truyền thống của giòng họ Hô-hen-txô-léc".

[6*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1870 ở chỗ này có thêm câu: "Đó là triển vọng hòa bình mà những người yêu nước tư sản lẩm cầm "bảo đảm" cho nước Đức".

[7*]. Trong bản liếng Đức xuất bản năm 1870, tiếp đó có thêm mấy câu: "Còn những nhà yêu nước bẻm mép thì an ủi họ rằng tư bản không có tổ quốc và tiền lương do quy luật cung cầu, một quy luật quốc tế trái ngược với lòng yêu nước, điều tiết. Vì thế phải chăng đã đến lúc giai cấp công nhân phải nói lên tiếng nói của mình và không cho phép các ngài thuộc giai cấp tư sản hành động nhân danh giai cấp công nhân nữa".

[8*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1870, tiếp sau đó có thêm mấy chữ "nhờ lưỡi lê của Đức".

[9*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1870, sau khi chữ "nghĩa vụ" có thêm mấy chữ "và họ đang làm việc đó".

[10*]. cuộc đảo chính

[11*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1870, đoạn cuối của câu này được viết như sau: "mà một bộ phận báo chí Anh đang làm ầm ĩ chằng kém gì những nhà yêu nước người Đức để đòi thực hiện".

[12*]. Nền cộng hòa muôn năm!